Nhìn lại thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017
14/11/2017 09:37
Động lực mới cho phát triển
Sẽ có một thương vụ mới giữa Walmart - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hoa Kỳ và Sao Thái Dương - một doah nghiệp nhỏ sản xuất hóa mỹ phẩm của Việt Nam (?).
Đây là một giả định, đúng ra là mong muốn của bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sao Thái Dương, sau khi trực tiếp nghe các bài phát biểu của lãnh đạo các nền kinh tế APEC và bước ra khỏi APEC CEO Summit 2017.
Hội nghị Các nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25. Ảnh: TTXVN |
“Mấy hôm nay, tôi có vài đơn hàng của khách từ châu Âu. Công nghệ cho phép doanh nghiệp nhỏ chúng tôi tiếp cận trực tiếp với khách hàng ở khắp nơi trên thế giới. Khi chúng tôi khiến khách hàng cần các sản phẩm của mình, biết đâu Walmart sẽ tìm đến chúng tôi”, bà Hương Liên tự tin.
Không phải ngẫu nhiên bà Liên đặt giả định này. Hồi tháng 3/2017, bà Liên đã có cuộc làm việc riêng với bà Jocelyn Tran, Tổng giám đốc Tập đoàn Walmart khu vực Đông Nam Á để tìm một hướng mở cho thương vụ này. Nhưng tất nhiên, khoảng cách về năng lực sản xuất của Sao Thái Dương và nhu cầu của Walmart quá xa khiến cơ hội trở nên mờ nhạt.
Nhưng, mọi việc có thể thay đổi trong bối cảnh mới, khi lần đầu tiên doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chính thức trở thành chủ đề chính của các phiên thảo luận tại APEC CEO Summit 2017, cũng như trong các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC và giới kinh doanh.
Một trong 4 đề xuất ưu tiên mà Hội đồng Tư vấn ABAC gửi tới các nhà lãnh đạo APEC là đẩy mạnh sự tham gia của MSMEs vào thị trường toàn cầu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017 cũng nhấn mạnh cơ hội mà kinh tế mạng và kinh tế số đem lại nhằm đạt tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là MSMEs, vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng có nghĩa là sẽ có những khuôn khổ hợp tác dài hạn, bao trùm về tài chính, kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; những chính sách và khuôn khổ pháp lý hữu hiệu để tạo môi trường thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp... Đặc biệt, môi trường pháp lý xoá bỏ những rào cản không cần thiết và tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, bao gồm hợp tác trong những nỗ lực quốc tế để truyền dữ liệu hiệu quả và an toàn khắp khu vực và cải cách pháp luật trong nước hẳn sẽ là những hoạt động mạnh mẽ trong các nền kinh tế APEC...
Nhưng điều quan trọng, những biến động sâu sắc của kinh tế thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động mạnh tới từng doanh nghiệp, bất kể ở quy mô nào. Khi thảo luận quanh chủ đề kết nối để tăng trưởng, ngay chính ông Scott Price, Phó tổng giám đốc điều hành của Walmart International cũng không thể né tránh rằng, ngay cả những doanh nghiệp toàn cầu cũng đang phải thay đổi tư duy kinh doanh trong nền kinh tế số.
“Khách hàng là đối tượng ra quyết định cho các cách thức, mô hình kinh doanh. Việc kết nối giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ do nhu cầu và yêu cầu của khách hàng. Chúng tôi sẽ làm những gì mà khách hàng mong muốn”, ông Scott Price nói.
Câu chuyện thần kỳ trong phát triển bao trùm
Những quan điểm khác nhau về toàn cầu hóa; những trở ngại của TPP-11 (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương không có Mỹ) trong các cuộc thảo luận giữa các thành viên ngay tại Tuần lễ Cấp cao APEC cho thấy, mối lo về tương lai bất định của hội nhập, của toàn cầu hóa, của tự do thương mại và đầu tư vẫn khá bất định mà các CEO đặt ra trong APEC CEO Summit 2017 còn lớn.
Nhưng, ngay trong phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định, bối cảnh này đòi hỏi APEC phải giữ vai trò quyết định, tiên phong trong việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng, cũng như để người dân được thụ hưởng đồng đều.
Có nghĩa là, cho dù còn nhiều vấn đề, nhưng mục tiêu tạo “động lực mới” cho tăng trưởng bền vững và liên kết khu vực, từ đó “vun đắp tương lai chung” là hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương, một tương lai chung mà không ai bị bỏ lại phía sau sẽ không thể vắng mặt trong các chương trình hành động cụ thể của từng nền kinh tế.
Phải thẳng thắn, đây là điều mà giới kinh doanh toàn cầu đang trông đợi. 15 phiên thảo luận, đối thoại của hơn 2.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong 3 ngày của APEC CEO Summit 2017 đều hướng tới việc tìm sự thống nhất trong tầm nhìn, chiến lược, chính sách phát triển của các nền kinh tế thành viên.
Trong phiên thảo luận về tương lai toàn cầu, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàngThế giới, đã nhắc lại thay đổi tích cực về GDP, thương mại toàn cầu, về tình trạng xóa đói giảm nghèo nhờ toàn cầu hóa.
“Lúc này, chúng ta cần lựa chọn là làm cho toàn cầu hóa tốt hơn, làm cho quy tắc trò chơi công bằng và phải đảm bảo toàn cầu hóa phải mang tính bao trùm hơn, để toàn cầu hóa mang đến cho người lao động cơ hội đào tạo lại, cơ hội việc làm mới...”, bà Kwakwa phản biện lại các ý kiến chống lại toàn cầu hóa.
Các khuyến nghị chung được đề xuất là các nền kinh tế cần có các chính sách kinh tế phù hợp để duy trì sự hồi phục, đặc biệt bằng cách tập trung giải quyết các rủi ro và nắm bắt những cơ hội mà nền kinh tế số mang lại. Những nỗ lực để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng để tạo ra tính năng động mới trong khu vực và giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Đó là thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng, tăng cường liên kết khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh của SMEs.
Cũng phải nhấn mạnh, chính sự đóng góp mang tính quyết định của cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành đầu tàu kinh tế năng động, là trung tâm đầu tư, đóng góp gần 50% tổng đầu tư, thương mại và gần 60% GDP toàn cầu.n
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến 1
Hôm nay 3
Tổng lượt truy cập 3,518