Hướng dẫn viên du lịch: Hết thời hoạt động tự do

Hướng dẫn viên du lịch: Hết thời hoạt động tự do

01/02/2018 11:53

Ký kết với Chi hội hướng dẫn viên (HDV) để có HDV đủ điều kiện hành nghề; hỗ trợ phí tham gia hội nghề nghiệp và không hợp tác với HDV không đủ tiêu chuẩn hành nghề… là những giải pháp mà DN lữ hành đang áp dụng để thực hiện nghiêm Luật Du lịch.

 

  • Thông tư của Bộ VHTT&DL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017Thông tư của Bộ VHTT&DL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017

Hỗ trợ phí tham gia hội nghề nghiệp

Luật Du lịch đã có hiệu lực từ 1/1/2018 với nhiều quy định mới, trong đó điều kiện hành nghề HDV có nhiều thay đổi so với quy định của Luật Du lịch 2005. Theo đó, HDV chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện: Có thẻ HDV du lịch; có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành... Ngoài ra, một số chương trình, đối tượng đặc thù như HDV quốc tế, HDV du lịch điểm còn kèm theo nhiều quy định khác. Hiện nay, nhiều DN lữ hành đang loay hoay tìm giải pháp để có đủ lượng HDV đáp ứng tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của Luật, bởi trước đó có hơn 90% HDV hoạt động tự do.

Luật Du lịch siết chặt các quy định hành nghề hướng dẫn viên nên nhiều doanh nghiệp gặp khó. Ảnh: Mai Thanh

Chính vì thế, nhiều hãng lữ hành lớn, trong đó có TransViet Travel đã sớm tổ chức cho đội ngũ HDV cơ hữu và HDV hợp đồng vụ việc thường xuyên đi tour, phổ biến quy định về tiêu chuẩn hành nghề; đồng thời, giải đáp những thắc mắc của các HDV trước khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực. Ngoài ra, DN này cũng đã quyết định hỗ trợ toàn phần hoặc một phần phí tham gia Hội HDV du lịch Việt Nam với những người có đóng góp cho công ty để động viên họ tham gia nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn hành nghề. Do có sự chuẩn bị sớm, nên khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực, TransViet Travel không lâm vào cảnh thiếu HDV. “Công ty chúng tôi sẽ áp dụng đúng Luật Du lịch. Nếu HDV không đáp ứng tiêu chuẩn hành nghề, chúng tôi sẽ không mời họ dẫn tour. DN nào cho HDV không đáp ứng yêu cầu được dẫn tour cũng bị xử phạt” - ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc TransViet Travel cho hay.
Doanh nghiệp bắt tay với Chi hội
Ông Vũ Văn Tuyên – Giám đốc Công ty du lịch Travellogy cho biết, DN này đang gặp khó trong điều tiết HDV tiếng Pháp đủ tiêu chuẩn theo quy định mới. Bởi đặc thù khách Pháp thường đặt tour trước một năm và hiện nay đang là mùa cao điểm khách Pháp vào Việt Nam. “Lượng HDV của chúng tôi không đủ để đáp ứng nhu cầu khách. Hiện tại, công ty tôi có khoảng 20% HDV cơ hữu của công ty hoặc thuộc các Chi hội, Hội HDV, còn lại có đến 80% HDV chưa thuộc đơn vị nào” – ông Tuyên cho hay.
Để có nguồn HDV đủ chuyên môn và đủ tiêu chuẩn hành nghề, DN này đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Chi hội HDV du lịch Hà Nội. Theo thỏa thuận này, các DN lữ hành sẽ ưu tiên sử dụng HDV là thành viên của Chi hội và ngược lại. Chi hội HDV du lịch Hà Nội sẽ ưu tiên cung ứng nguồn nhân lực HDV đảm bảo đủ tiêu chuẩn hành nghề cho các DN lữ hành tham gia ký kết. Tuy nhiên, theo ông Tuyên, lượng HDV, đặc biệt là HDV tiếng Pháp tham gia Chi hội còn hạn chế, do vậy DN vẫn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, nhiều HDV chưa hiểu rõ lợi ích của việc tham gia các Chi hội, Hội HDV. Các HDV có thể tham gia vào 3 tổ chức: DN lữ hành, DN cung ứng HDV hoặc các chi hội nghề nghiệp về HDV. Trong đó, việc tham gia vào các Chi hội HDV dễ nhất với chi phí thấp và họ sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Thực tế, các hãng lữ hành có thể thông qua danh sách của các Chi hội HDV để mời HDV tham gia tour, bố trí tour. Mặt khác, các HDV sẽ có cơ hội học hỏi, trau dồi nghiệp vụ, nâng cao trình độ thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện của các chi hội. “Luật Du lịch 2017 đã có hiệu lực nên chúng tôi sẽ ưu tiên gọi HDV tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp để được đảm bảo quyền lợi cho mình và khách hàng. Do đó, các HDV cần sớm đảm bảo quyền lợi cần thiết nếu không muốn bị thất nghiệp” - ông Tuyên chia sẻ.

Thong ke