Hàng ngàn HDV du lịch có nguy cơ thất nghiệp
22/11/2017 08:39
Những quy định của luật Du lịch 2017 mới có thể khiến cho hàng ngàn hướng dẫn viên thất nghiệp.
Trong bối cảnh hướng dẫn viên (HDV) đang thiếu trầm trọng và lượng khách du lịch tăng cao, ngành du lịch đang đứng trước nguy cơ mất cân đối mạnh về nhân lực.
Vô hiệu hóa thẻ hành nghề
Cụ thể, theo luật Du lịch 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, điều kiện hành nghề HDV bổ sung thêm nhiều yêu cầu mới. Ngoài thẻ HDV du lịch, họ phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Bên cạnh đó, HDV du lịch phải có hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Như vậy, dù có thẻ hành nghề nhưng HDV tự do cũng không được phục vụ, hướng dẫn khách nếu không đáp ứng những điều kiện trên. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch đang đứng trước nguy cơ thiếu HDV trầm trọng. Đơn cử như năm 2017, mục tiêu của ngành du lịch là đón 13 triệu khách quốc tế đến VN, chưa kể khách nội địa. Để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu khoảng 25.000 HDV quốc tế và 50.000 HDV nội địa. Nhưng tổng số lượng HDV trên cả nước hiện mới chỉ hơn 20.000 người, trong đó có đến khoảng 19.000 HDV hành nghề tự do. Nghĩa là chưa đáp ứng được 1/3 nhu cầu thực tế. Nếu các quy định mới được áp dụng, số lượng HDV “đạt chuẩn” để có thể hành nghề còn giảm mạnh.
Theo Tổng cục Du lịch, việc “siết” điều kiện hành nghề là cần thiết trong bối cảnh số lượng HDV tự do hiện nay chiếm tới 90% tổng số HDV trên toàn quốc nhưng lại không có một tổ chức nào đứng ra quản lý. Bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), dẫn chứng qua rà soát hệ thống hồ sơ, văn bằng, từ năm 2016 đến nay, cơ quan này đã phát hiện 393 trường hợp sử dụng bằng đại học giả để xin cấp thẻ HDV (năm 2016 có 236 hồ sơ và 10 tháng đầu năm 2017 có 157 hồ sơ HDV giả).
Mặc dù Tổng cục Du lịch đã cảnh cáo và có biện pháp xử lý, nhưng tình trạng làm giả hồ sơ để được xin cấp thẻ HDV vẫn không được giải quyết triệt để. Đã có 300 trường hợp bị chuyển sang cơ quan công an điều tra. Chưa kể, cả đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của HDV đều chưa đáp ứng yêu cầu để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Vì thế, quy định HDV phải thuộc sự quản lý của DN du lịch, đơn vị chuyên cung ứng HDV hoặc hội nghề nghiệp nói trên không chỉ để quản lý mà còn hỗ trợ đào tạo, nghiệp vụ, bảo vệ quyền lợi và phát hiện ra các sai phạm, đưa hoạt động hướng dẫn đi vào khuôn khổ.
“Ép” HDV vào hội ?
Đó là nghi vấn của nhiều chuyên gia bởi trước đó, ngày 10.10.2017, Hội HDV du lịch VN đã được thành lập. Chuyên gia du lịch Nguyễn Tuấn Quyền nhận xét quy định về hành nghề HDV khó khả thi do nhiều vướng mắc. Có thể hiểu đơn giản, luật “mở ra” 3 “con đường” để HDV đã có thẻ HDV du lịch được phép hành nghề. Một là có hợp đồng với DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, hai là trở thành HDV cơ hữu (có hợp đồng lao động) của 1 DN lữ hành và ba là trở thành thành viên của Hội HDV du lịch.
Trong 3 “con đường” này thì có đến 2 lối chưa đi đã kẹt. Thứ nhất, tính trên quy mô toàn quốc, hiện VN chưa có một công ty cung cấp dịch vụ HDV du lịch nào. Thứ hai, khi tiến hành chuyên nghiệp hóa hoạt động lữ hành, các DN du lịch buộc phải tính toán tới vấn đề chi phí và trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, ảnh hưởng chi phí từ các HDV cơ hữu là rất lớn, nên chủ trương của các DN là chỉ giữ lại số lượng nhỏ HDV cơ hữu, khi đến mùa cao điểm sẽ sử dụng HDV tự do. Vì thế, cơ hội để số lượng 19.000 HDV tự do hiện nay được ký hợp đồng lao động chính thức với các DN du lịch là rất ít.
“Như vậy, rõ ràng luật ép HDV tự do không còn con đường nào khác ngoài trở thành thành viên của Hội HDV du lịch. Nhưng nguyên tắc tối thượng của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp là sự tự nguyện, tán thành. Nay luật đưa ra những điều kiện như vậy chẳng khác nào ép buộc phải vào mới được làm nghề”, ông Quyền đánh giá.
Một chuyên gia du lịch nói thẳng việc ép buộc HDV vào bất kỳ một hiệp hội, hội ngành nghề nào là hình thức của một giấy phép con. Điều này vô cùng bất hợp lý. Nếu hội đủ mạnh, tạo được quyền lợi cho hội viên thì các HDV sẽ tự nguyện đăng ký chứ không cần ép buộc thế này.
Ông Nguyễn Tuấn Quyền cho biết trên các diễn đàn về du lịch, nhiều HDV đang phản ánh mức phí để tham gia và hội phí quá cao. Chi phí làm thẻ hội viên của Hội HDV du lịch VN đang được đề nghị là 500.000 đồng và hội phí thường niên là 1 triệu đồng. “HDV tự do hiện nay không được hưởng lương cứng, chủ yếu chỉ có thể “kiếm” vào mùa cao điểm, tức vài ba tháng trong 1 năm; mùa thấp điểm thì rỗng túi mà phí quá cao thế này, họ phản ứng là phải”, ông Quyền nói thẳng.
Đồng tình với việc siết lại việc quản lý HDV, nhưng ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch Liên Bang (Lien Bang Travelink), cũng cho rằng Hội HDV du lịch VN không nên thu phí, đặc biệt là trong thời gian đầu. Hội phải tạo cơ hội cho các HDV được hoạt động trong một tổ chức, được tham gia vào 1 hiệp hội làm nghề, để HDV thấy họ được bảo vệ, được hướng dẫn, đào tạo, có thu nhập tốt. Khi hội viên thấy được rõ ràng quyền lợi, họ sẽ sẵn sàng đóng góp để duy trì hoạt động của Hội.
Nên chấp nhận hợp đồng thời vụ
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Lửa Việt tour, cho rằng để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho DN và đặc biệt là HDV, cần cơ cấu tất cả HDV tự do trở thành HDV cơ hữu của các công ty lữ hành. Nên áp dụng quy định mỗi DN phải có ít nhất 5 HDV cơ hữu quốc tế và từ 10 HDV cơ hữu nội địa trở lên mới được phép thành lập công ty. Việc được ký hợp đồng chính thức với 1 DN sẽ giúp HDV đảm bảo được thu nhập ổn định, được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm, các chế độ tối thiểu đối với 1 lao động.
Theo ông Mỹ, các DN cũng không cần quá lo lắng về vấn đề chi phí “nuôi” HDV vì hiện tại cũng có một vài DN du lịch sở hữu nhiều HDV cơ hữu mà tính toán chi phí còn “lời” hơn việc thuê HDV tự do. Tuy nhiên, ông Mỹ cũng lưu ý để làm được điều ấy cần thời gian dài. Trong điều kiện cấp bách, lượng khách đến ngày càng nhiều như hiện nay, nhà nước nên cho phép HDV ký hợp đồng thời vụ theo tour đối với các công ty lữ hành.
Theo ông Quyền, thực tế các HDV tự do khi đi tour cũng có ký hợp đồng thời vụ với phía công ty, loại hợp đồng này vẫn nằm trong hợp đồng lao động. Theo đó, các HDV tự do có thể coi như đã trở thành HDV cơ hữu của DN trong một thời gian nhất định. “Chính phủ có thể chấp nhận loại hợp đồng này, vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhu cầu của DN, vừa đảm bảo được chất lượng của HDV. “Ngày 1.1.2018 luật Du lịch mới có hiệu lực, bắt đầu giữa tháng 2 là mùa cao điểm du lịch, các công ty lữ hành rất “khát” HDV, nếu không tìm cách gỡ nút thắt này, khủng hoảng HDV chắc chắn sẽ xảy ra”, ông Quyền cảnh báo.
“Nới” tiêu chuẩn với HDV quốc tế Không chỉ thiếu về số lượng, cơ cấu HDV quốc tế hiện nay đang mất cân đối trầm trọng. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, hiện có 20.212 HDV đang hoạt động, bao gồm 12.240 HDV quốc tế, 7.972 HDV nội địa. Trong số 12.240 HDV quốc tế thì tiếng Anh có 6.630 người, tiếng Hoa có 2.686 người, tiếng Pháp có 1.230 người, tiếng Nhật chỉ có 534 HDV. Hay như thị trường khách Hàn Quốc đến VN đang tăng trưởng rất mạnh mà cũng chỉ có 161 HDV tiếng Hàn. Các thứ tiếng hiếm khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Ý còn khó hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng này là do quy định trình độ văn hóa đối với các HDV quốc tế chưa hợp lý. Luật Du lịch 2017 đã có sửa đổi, thay vì yêu cầu HDV quốc tế phải tốt nghiệp đại học trở lên thì nay người có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên đã đủ điều kiện để được cấp thẻ HDV. Tuy nhiên, ông Từ Quý Thành (Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch Liên Bang) cho rằng điều kiện này chỉ hợp lý đối với những ngoại ngữ phổ thông như tiếng Anh, còn những ngôn ngữ hiếm, không cần phải trình độ văn hóa tới cao đẳng, chỉ cần tốt nghiệp phổ thông, thành thạo ngoại ngữ và quan trọng nhất là nghiệp vụ, chuyên môn. Đứng đầu một trong những công ty dẫn khách Trung Quốc hàng đầu VN, ông Thành cho biết trên thực tế rất nhiều công ty du lịch sở hữu đội ngũ HDV thành thạo tiếng Trung, có kinh nghiệm, nghiệp vụ cao nhưng do không đáp ứng được điều kiện về trình độ văn hóa theo quy định nên không được chính thức dẫn khách. Trong khi đó, một lượng lớn các sinh viên tốt nghiệp đại học, đáp ứng quy định về bằng cấp nhưng thực chất ngoại ngữ chỉ dừng lại ở mức độ giao tiếp, chưa xử lý được thông tin, kiến thức về văn hóa chưa nhiều nên cũng không thể sử dụng. Đó là nút thắt khiến tình trạng thiếu hụt HDV chưa giải quyết được. “Tổng cục Du lịch nên xem xét giao trách nhiệm cho các công ty du lịch tự quản lý việc cấp giấy phép hành nghề đối với HDV tiếng hiếm. HDV chính là hình ảnh của công ty. HDV giỏi thì DN ghi điểm trong mắt du khách và ngược lại, HDV dở thì thiệt hại đầu tiên chính là DN. DN hoàn toàn đủ khả năng và trách nhiệm đào tạo cũng như quyết định một người có đủ năng lực để trở thành HDV tốt hay không. Hoặc nên giảm thêm điều kiện văn hóa đối với lực lượng HDV này. Nếu nhà nước nới lỏng vấn đề này, nút thắt về việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong du lịch, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc, sẽ nhanh chóng được tháo gỡ”, ông Thành nêu quan điểm. |
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến 1
Hôm nay 1
Tổng lượt truy cập 3,509