Gỡ điểm nghẽn về chính sách cho doanh nghiệp ngành du lịch
07/12/2017 10:46
Nhiều doanh nghiệp cho rằng du lịch Việt Nam vẫn chưa có nền tảng để phát triển bền vững do những vướng mắc liên quan đến chính sách và thực thi chính sách của cơ quan quản lý.
Vịnh Hạ Long nhìn từ độ cao 300m. Ảnh: Trung Nguyên -TTXVN
Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng du lịch Việt Nam vẫn chưa có nền tảng để phát triển bền vững do những vướng mắc liên quan đến chính sách và thực thi chính sách của cơ quan quản lý.
Nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch cho biết, lợi thế của ngành du lịch Việt Nam là giá rẻ, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên đa dạng.
Ngành Du lịch Việt Nam cũng đang có sự tăng trưởng đáng kể nhờ các chính sách và nỗ lực thu hút du lịch như miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ý), đẩy mạnh việc cấp thị thực điện tử, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch qua các kênh truyền thông xã hội.
Theo đó, số du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 ước tính đạt 13 triệu lượt. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, những kết quả trên chưa đủ để đảm bảo ngành Du lịch Việt Nam sẽ phát triển bền vững vì vẫn đang chú trọng gia tăng số lượng mà chưa tập trung vào chất lượng du khách.
Quá trình phát triển nóng về du khách chưa đi đôi với phát triển năng lực quản lý điểm đến và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Bên cạnh đó, khâu quảng bá du lịch quốc gia chưa được đầu tư thích đáng và việc thực thi chính sách chưa có sự linh hoạt cần thiết.
Theo ông Trần Trọng Kiên, đầu tư về quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia Việt Nam chưa tương xứng với mục tiêu phát triển và tiềm năng du lịch của đất nước. Cụ thể, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đóng góp 10% vào GDP và thu hút 20 triệu khách quốc tế mỗi năm nhưng ngân sách quốc gia dành cho xúc tiến quảng bá du lịch mỗi năm chỉ có 2 triệu USD.
Đây là số tiền quá ít so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á mỗi năm đều dành tới 50 – 100 triệu USD để quảng bá du lịch. Điều đáng nói là chi phí của Việt Nam đã ít, nhưng việc chi cho các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch lại dàn trải, kém hiệu quả và chưa gắn với các thị trường trọng tâm.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Group nhận định, chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay không có sức cạnh tranh và hấp dẫn du khách so với các quốc gia khác trong khu vực. Hiện tại, Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân của 23 quốc gia, trong đó chủ yếu áp dụng miễn thị thực 15 ngày, ít hơn thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Thêm vào đó, quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam trước đó ít nhất 30 ngày” (Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam) càng gây hạn chế lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những tour du lịch kết hợp với các nước lân cận.
Dẫn chứng cụ thể là du khách nước ngoài không thể tham gia các tour du lịch 3 nước Đông Dương (Việt Nam – Lào – Campuchia) mà chương trình thiết kế theo trình tự: Nhập cảnh vào Việt Nam, tham quan khu vực miền Bắc Việt Nam – xuất cảnh tham quan Lào, Campuchia – nhập cảnh lại vào khu vực miền Nam Việt Nam.
Mặt khác, Chính phủ Việt Nam thường công bố danh sách các nước được miễn thị thực theo từng năm và chỉ trước thời gian áp dụng từ 1 – 3 tháng khiến doanh nghiệp không kịp lên chiến lược thu hút du khách quốc tế.
Một vấn đề khác là môi trường điểm đến du lịch Việt Nam chưa được quản lý đúng mức và chuyên nghiệp. Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Du lịch và Lữ hành năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam chỉ xếp hạng trung bình về mức độ an ninh và an toàn, còn các chỉ tiêu về môi trường đứng ở thứ hạng thấp và rất thấp.
Ngoài ra, nhiều du khách quốc tế cũng phản ánh họ thường gặp các vấn đề như bị gian lận khi mua hàng hóa và dịch vụ, bị làm phiền bởi người bán hàng rong, thói quen xả rác bừa bãi của người dân bản địa, mức độ an toàn giao thông thấp…
Chính những yếu tố này tạo nên ấn tượng không tốt về Việt Nam của du khách quốc tế, khiến tỷ lệ khách du lịch quay lại rất thấp.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp du lịch cũng phản ánh, thái độ ứng xử của cơ quan công quyền đối với doanh nghiệp còn tùy nghi, lạm dụng thực thi chính sách, pháp luật gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian hoạt động của các phương tiện vận tải đường thủy phục vụ du lịch là 15 năm.
Nhưng tại Quảng Ninh, địa phương lại chỉ cho phép các phương tiện hoạt động trên Vịnh Hạ Long vận hành tối đa 10 năm. Chính vì sự bất nhất này, nhiều doanh nghiệp không biết phải theo “phép vua” hay “lệ làng”.
Thúc đẩy phát triển du lịch bền vững
Để hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào GDP, ông Trần Trọng Kiên kiến nghị Chính phủ xem xét việc xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo mô hình doanh nghiệp xã hội, phi lợi nhuận để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp và thúc đẩy hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia.
Về chính sách thị thực, các bộ ngành cần cân nhắc, sửa đổi các quy định về thời hạn lưu trú, khoảng cách các lần nhập cảnh để tạo điều kiện cho du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn khi đến Việt Nam. Ngoài ra, thông tin về miễn thị thực nên được thông báo sớm và áp dụng ổn định trong một khoảng thời gian nhất định, giúp các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, có chiến lược thu hút du khách hiệu quả.
Ông Ngô Minh Đức thì đề xuất sử dụng Bộ chỉ số quản lý chất lượng điểm đến do khu vực tư nhân xây dựng, đánh giá dựa trên ý kiến du khách thay vì chủ quan của nhà quản lý; minh bạch kết quả đánh giá định kỳ bảng xếp hạng điểm đến để làm căn cứ cho địa phương điều chỉnh chiến lược, cách thức quản lý.
Việc thực hiện nên được thí điểm tại các điểm đến phát triển nóng về du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Huế, Hội An…Liên quan đến việc thực thi chính sách, Chính phủ nên cho xây dựng dữ liệu dùng chung để có sự thống nhất giữa các cấp quản lý và giảm việc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cơ quan chức năng.
Du khách tham quan Đại nội Huế. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Tổng cục Du lịch sẽ tổng hợp các đề xuất và xem xét việc đầu tư đúng mức cho quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia.
Về vấn đề thực thi chính sách, ngành sẽ sớm rà soát, cải thiện chất lượng phục vụ của công chức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý. Đồng thời sẽ đẩy mạnh việc cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, chuyển một số hồ sơ thủ tục từ bắt buộc sang tự nguyện để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển.
Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, việc miễn thị thực và thời gian miễn thị thực cho người nước ngoài đã được Chính phủ Việt Nam cân nhắc rất nhiều. Tuy nhiên, thị thực là vấn đề khó, phức tạp, liên quan nhiều đến vấn đề ngoại giao, an ninh giữa hai quốc gia do đó cần phải có quá trình đàm phán, thương lượng.
Bù lại, Việt Nam đã đẩy mạnh việc cấp thị thực điện tử cho công dân 46 quốc gia và tạo nên bước đột phá trong công tác cấp thị thực nhờ thủ tục đơn giản và nhanh chóng. Để tận dụng lợi thế này vào thu hút du lịch, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành du lịch, hàng không Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc quảng bá, tuyên truyền chính sách cấp thị thực điện tử đến với người dân ở nhiều quốc gia hơn.
Bà Đoàn Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao cho rằng, để tạo điều kiện thu hút đầu tư, du lịch, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia, các quốc gia này đã chiếm khoảng 85-90% du khách tiềm năng của Việt Nam.
Hơn nữa, thị thực chỉ là một trong số 90 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút khách một cách bền vững.
Phố cổ Hội An. Ảnh: TTXVN
Các ý kiến cho rằng, bên cạnh việc tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách, các bộ ngành liên quan cũng cần chú trọng đến việc cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông, chất lượng quản lý điểm đến để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phát triển các sản phẩm đặc thù, có chất lượng cao.
Chỉ khi có những nỗ lực và giải pháp đồng bộ thì ngành Du lịch Việt Nam mới có thể thu hút du khách quốc tế đến nhiều hơn, lưu trú lâu hơn, tiêu dùng nhiều hơn và nói nhiều hơn về đất nước Việt Nam./.
Bài viết liên quan
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến 1
Hôm nay 3
Tổng lượt truy cập 3,518