Du lịch Việt Nam 2017: Nhiều dấu ấn đặc biệt!
26/12/2017 12:23
Năm 2017 là năm thành công, phát triển ấn tượng của du lịch Việt Nam. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục mới, chưa từng có từ trước đến nay.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có nhiều chia sẻ với Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về thành tựu của du lịch Việt Nam trong năm 2017.
Năm 2017 được đánh giá là năm rất thành công của du lịch Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những dấu ấn, những mốc đặc biệt của ngành du lịch trong năm 2017?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Có thể nói rằng năm 2017 khép lại với những kết quả rất thành công của ngành du lịch và là một năm có nhiều dấu ấn.
Trước hết, đó là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế then chốt của đất nước và phát triển du lịch là định hướng chiến lược trong nền kinh tế-xã hội của đất nước. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết này đã tạo ra được động lực, tạo ra sự lan tỏa trong nâng cao nhận thức trong chỉ đạo hành động việc ban hành những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Luật Du lịch (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2017 với rất nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch trong giai đoạn tới.
Sau khi ngành du lịch Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2016, tăng trưởng 26%, thì đến thời điểm này, có thể nói rằng ngành du lịch đã thực hiện được chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao: đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% và 74 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng xấp xỉ 20% và tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt trên 500.000 tỷ đồng, tương đương với 23 tỷ USD và đóng góp khoảng 7,5% vào GDP của Việt Nam năm 2017.
Du lịch Việt Nam được các tổ chức uy tín quốc tế trao tặng những giải thưởng hết sức danh giá. Những giải thưởng này góp phần định vị thương hiệu và hình ảnh cho điểm đến Việt Nam với tư cách là một điểm đến có chất lượng. Đó là giải thưởng khách sạn nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới trao cho Intecontinental Đà Nẵng, giải thưởng khách sạn mới hàng đầu quốc tế… cùng nhiều giải thưởng lớn khác của quốc tế và khu vực đã bình chọn Việt Nam là một điểm đến du lịch có thương hiệu tại khu vực châu Á.
Chúng ta chứng kiến một năm du lịch có rất nhiều dự án có quy mô lớn, nghỉ dưỡng chất lượng cao được đưa vào sử dụng. Điều này làm tăng thêm nội lực của điểm đến trong khả năng tiếp nhận và phục vụ khách du lịch quốc tế cũng như khách du lịch nội địa và sự phát triển của các doanh nghiệp cùng các địa bàn động lực đã thực sự tạo ra tác động lan tỏa và định vị được hình ảnh điểm đến chung cho du lịch Việt Nam.
Công tác quảng bá, xúc tiến có nhiều nét mới, như là chúng ta thực hiện chủ trương đối tác công-tư, việc thực hiện thành lập Hội đồng tư vấn du lịch và sự ra đời của Câu lạc bộ những nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp du lịch hàng đầu.
Ngoài ra, những sự kiện lớn trong năm như Hội nghị Bộ trưởng du lịch khu vực APEC, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Năm Du lịch quốc gia Lào Cai-Tây Bắc 2017, các sự kiện lớn của nhiều địa phương tổ chức… tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần quảng bá, xúc tiến hình ảnh và sản phẩm của du lịch Việt Nam. Rõ ràng rằng năm 2017, thế giới biết nhiều đến Việt Nam hơn và việc Tổ chức du lịch thế giới đánh giá Việt Nam là một trong 10 nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 6 thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng.
Đấy là kết quả và những dấu ấn hết sức quan trọng của du lịch Việt Nam trong năm 2017. Có được kết quả này, phải khẳng định trước hết đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật Du lịch năm 2017, những chỉ đạo và những chính sách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành rất kịp thời, quyết liệt, đã góp phần tạo nên những thành quả đó. Cùng với đó là nỗ lực của cả ngành du lịch, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương có vai trò quyết định, cũng như sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTT&DL, sự tham gia của những cơ quan nhà nước, các bộ, ngành đã chung tay cùng với ngành du lịch để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và trong kết quả đó, chúng tôi khẳng định vai trò của doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Thưa ông, bên cạnh những thành công đã đạt được, năm 2017 vẫn còn những ý kiến cho rằng ngành du lịch vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần phải giải quyết. Quan điểm của ông như thế nào với những ý kiến này?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đúng như vậy, những thành quả chúng ta đạt được mới chỉ là bước đầu. Dù chúng ta đã tăng trưởng 30% và đã được tới 13 triệu lượt khách quốc tế, nhưng nhìn sang những nước bên cạnh, chúng ta vẫn còn thua kém rất nhiều, như Thái Lan, Singapore, Malaysia, thậm chí cả Indonesia. Năng lực cạnh tranh của chúng ta còn hạn chế và những tài nguyên tiềm năng chưa thực sự phát huy mặc dù dư địa phát triển còn nhiều. Chúng ta mới chỉ khai thác được ở giai đoạn mang tính chất khởi đầu và chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều.
Chúng ta cũng đang còn có những điểm nghẽn. Du lịch là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Vì vậy, việc tạo ra chuỗi các giá trị để hình thành nên sản phẩm du lịch là do rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều ngành kinh tế cùng tham gia để cung ứng chứ không chỉ mỗi ngành du lịch. Chúng tôi rất đồng tình với Báo cáo đánh giá của Diễn đàn kinh tế tư nhân: Du lịch Việt Nam đang đối mặt với những thách thức và những điểm nghẽn. Trong đó có 4 điểm nghẽn chính.
Một là, chính sách visa đã có cải thiện nhưng chưa thực sự cởi mở và rất kém cạnh tranh so với các nước. Thứ hai, quảng bá xúc tiến của chúng ta còn rất thiếu về nguồn lực và năng lực thực hiện một cách chuyên nghiệp, hiệu quả cũng còn hạn chế. Thứ ba, chúng ta còn hạn chế trong nâng cao và duy trì chất lượng dịch vụ mang tính chuyên nghiệp trong ngành hàng không, cũng như khả năng kết nối những đường bay trực tiếp từ Việt Nam tới các thị trường trọng điểm của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. Thứ tư, công tác quản lý điểm đến đảm bảo an ninh, an toàn tại nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi thu hút số lượng khách du lịch tương đối lớn còn đặt ra nhiều vấn đề.
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy ở một số nơi đang có sự phát triển quá nóng, dồn nén vào một khu vực nhỏ, tạo ra sự quá tải. Cùng với đó là sự mai một của văn hóa bản địa và quản lý an ninh, an toàn điểm đến đang làm phương hại hình ảnh của du lịch Việt Nam, không đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài những điểm nghẽn và nguyên nhân khách quan như vậy, còn có những hạn chế, yếu kém trong nội tại của ngành du lịch như: công tác quản lý của ngành du lịch ở các cấp còn đặt ra nhiều vấn đề; quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn viên, vận chuyển khách trong năm 2017 cũng còn nhiều thiếu sót, khiến dư luận đặt sự quan tâm. Đây thực sự là vấn đề cần phải được cải thiện, cần phải được chấn chỉnh theo hướng tốt hơn. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng còn nhiều vấn đề, chưa đồng đều. Chúng ta đã có những tiến bộ trội vượt nhưng không phải đều khắp ở các nơi. Ở một số điểm đến, một số thời điểm cũng còn diễn ra tình trạng chặt chém, không đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng dịch vụ, làm cho du khách cảm thấy thiếu an tâm.
Cuối cùng, nguồn nhân lực cho du lịch, vừa là vấn đề trước mắt, vừa là vấn đề lâu dài, cần phải có những chiến lược và những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để khắc phục điểm yếu này.
Đó là những vấn đề chúng tôi cho rằng ngành du lịch cần phải hết sức nghiêm túc tự nhìn lại mình để có các biện pháp thực sự khả thi và làm chuyển biến được tình hình trong tương lai gần và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Hy vọng ngành công nghiệp không khói của Việt Nam sẽ thực sự bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Như ông vừa chia sẻ, việc đào tạo hướng dẫn viên du lịch vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Hiện nay, tại các địa điểm du lịch nổi tiếng, hướng dẫn viên vẫn có số lượng lớn là thiếu chuyên nghiệp, thậm chí nhiều người còn bị chê là không đủ kiến thức, thiếu nhiệt huyết với nghề. Trong khi dịch vụ này đòi hỏi ngày một tăng cao về chất lượng. Tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ có những chiến lược như thế nào để giải quyết câu chuyện này?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Đây là vấn đề mà ngành du lịch rất “đau đầu”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch cũng hết sức quan tâm. Hướng dẫn viên có vị trí rất quan trọng và ấn tượng khách du lịch có được phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và đạo đức nghề nghiệp của hướng dẫn viên. Nhưng thật đáng buồn là chúng ta còn thiếu về số lượng, còn yếu về chất lượng. Không ít những hướng dẫn viên đã tìm những cách này, cách khác để có được thẻ. Nhưng khi hành nghề họ không giữ được năng lực cũng như phẩm chất của hướng dẫn viên. Thậm chí, số lượng hướng dẫn viên giả đã xuất hiện tương đối nhiều và chúng tôi đang đề nghị cơ quan an ninh vào cuộc làm rõ những đối tượng này, xem xét, truy tố, khởi tố hình sự đối với những người tham gia vào đường dây cung ứng thẻ hướng dẫn viên giả.
Số lượng có thể không nhiều nhưng tác động, phương hại của nó đến ngành du lịch là rất nghiêm trọng. Để khắc phục những điều này, cần phải có những giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài. Tới đây, Luật Du lịch (sửa đổi) sẽ nới lỏng điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên. Chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng nghề về hướng dẫn du lịch và có chứng chỉ ngoại ngữ là có thể được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Và đối tượng khác chỉ cần bằng cao đẳng, chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ đã kinh qua một lớp nghiệp vụ hướng dẫn viên là có thể được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế. Tiêu chuẩn có thể cởi mở và hạ thấp hơn so với trước, vì thế công việc quản lý cấp thẻ hướng dẫn viên đã phân cấp cho các địa phương thì phải được chỉ đạo một cách nghiêm túc và thậm chí phải có những thủ tục sát hạch để thẩm định khả năng của hướng dẫn viên.
Chúng ta cũng phải có những đổi mới trong đào tạo cơ bản hướng dẫn viên, làm sao để năng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp.
Thực hiện Luật Du lịch, hướng dẫn viên sẽ phải tham gia đăng ký hợp đồng làm việc trong các công ty lữ hành hoặc tham gia vào một tổ chức xã hội-nghề nghiệp để đăng ký hoạt động của mình để được kiểm soát chặt chẽ hơn. Một số hướng dẫn viên tự do không muốn hoạt động trong khuôn khổ như vậy. Đây là điều phải nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật.
Công việc hướng dẫn viên cũng đòi hỏi sự tham gia quản lý của rất nhiều bộ, ngành như Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ VHTT&DL. Sự đổi mới từ cơ sở đào tạo và đổi mới trong công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ sẽ khiến cho đội ngũ hướng dẫn viên ngày càng được nâng cao chất lượng.
Ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm qua và hướng đến mục tiêu đón từ 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP vào năm 2020. Trước mắt, mục tiêu của năm 2018 là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2018, ngành du lịch cố gắng duy trì được đà tăng trưởng khách quốc tế ở mức 20% trở lên – đạt được khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế, đạt được khoảng 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu trực tiếp từ du lịch phấn đấu được khoảng 600.000 tỷ đồng, đóng góp 8-8,2% vào GDP của đất nước.
Tuy nhiên, đó là trong điều kiện không có những yếu tố bất thường. Vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và là lĩnh vực rất nhạy cảm. Nếu có bất kỳ một tác động nào đó đều có thể tạo ra sự sụt giảm đột ngột. Sự phục hồi phải có một quá trình có thời gian, nhưng sự sụt giảm có thể rất nhanh chóng. Vì vậy chúng ta phải giữ ổn định tình hình và chính sách của ta cũng phải ổn định, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường để tạo ra niềm tin cho khách du lịch, tạo ra an tâm cho khách du lịch.
Không gì quảng bá tốt hơn cho hình ảnh du lịch Việt Nam là làm cho khách du lịch hài lòng, họ có ấn tượng và sẽ lan tỏa cảm xúc của mình đối với bạn bè, người thân của họ. Còn gì tuyệt vời hơn khi họ nói với bạn bè rằng Việt Nam là nơi đáng đến với những trải nghiệm thú vị.
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến 1
Hôm nay 4
Tổng lượt truy cập 3,508