Đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam
02/11/2017 09:37
Thị trường du lịch trong nước bị bỏ ngỏ
Hãng Google và Tập đoàn Temasek Holdings Singapore dự đoán quy mô của DL trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó DL trực tuyến tại Việt Nam chiếm 10%, tương đương 9 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường DL trực tuyến trong nước vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại Điện tử, các đại lý DL trực tuyến thương hiệu toàn cầu, như: Agoda.com, Airserco.com.vn, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, hotel.com) đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần. Trong khi đó, hiện chỉ có hơn 10 công ty Việt Nam có kinh doanh DL trực tuyến, như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, mytour.vn, gotadi.com, vntrip.vn… Tuy nhiên, các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp.
Du khách nước ngoài tham quan Hoàng thành Huế.
Bên cạnh đó, các DNDL nhỏ hầu như ít sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho hoạt động kinh doanh của mình. Trong khi các khách sạn Việt Nam từ 3 đến 5 sao hầu hết đã tham gia vào hệ thống online của các đại lý DL trực tuyến nước ngoài thì các khách sạn nhỏ vẫn sử dụng phương thức quản lý thủ công trong giới thiệu và bán sản phẩm. Hầu hết các công ty lữ hành nếu có địa chỉ website cũng chỉ đơn thuần giới thiệu sản phẩm với hình thức và nội dung sơ sài. Tỷ lệ ứng dụng thương mại điện tử tại các điểm tham quan ở Việt Nam hầu như chưa có. Đa số các DNDL Việt Nam chưa ứng dụng thanh toán trực tuyến mà vẫn áp dụng các biện pháp thanh toán thông thường như chuyển khoản, thanh toán bằng tiền mặt… Đối với các công ty lữ hành đã triển khai thanh toán trực tuyến thì tỷ lệ giao dịch thành công vẫn ở mức rất thấp.
Đối với hoạt động vận chuyển, dù tỷ lệ thanh toán vé máy bay trực tuyến tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng, nhưng mới đạt 22,6% năm 2016 và ước đạt 29% vào năm 2020. Sự xuất hiện của hãng Uber và Grab đã kích thích và làm thay đổi nhận thức ứng dụng CNTT trong lĩnh vực vận chuyển. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Euromonitor International (công ty toàn cầu có trụ sở tại nước Anh), trong giai đoạn 2012-2016, tỷ lệ thanh toán trực tuyến của các loại hình vận chuyển DL (thuyền, tàu hỏa, xe khách...) tại Việt Nam chỉ đạt mức 2%-3% và dự đoán mức tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2022 là 5%.
Du lịch thông minh cần hướng tới sự thuận lợi
Theo các chuyên gia, thực tế kinh doanh trực tuyến còn nghèo nàn của các DNDL Việt nếu được nhìn ở khía cạnh tích cực thì đó là cơ hội bứt phá lớn cho những cá nhân, tổ chức dám thay đổi và nhìn xa trông rộng. Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, DL là một ngành mà Việt Nam có nhiều cơ hội. Để biến cơ hội thành giá trị, ngành DL, các DNDL phải hòa mình vào xu thế phát triển của công nghệ, sẵn sàng cho sự chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và tăng cường năng lực công nghệ cho phù hợp với xu thế phát triển mới. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngành DL cần nhanh chóng thúc đẩy ứng dụng CNTT theo hướng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong những định hướng chính để thực hiện hoạt động này, Tổng cục Du lịch sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hợp tác công-tư, phát triển trên nền tảng số hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong cung cấp dịch vụ DL; đổi mới phương thức quản lý điểm đến kết hợp số hóa chia sẻ và làm giàu dữ liệu điểm đến nhằm phát huy nội hàm văn hóa, giá trị gia tăng về DL, cải thiện yếu tố môi trường và hạ tầng phục vụ DL; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực DL dựa trên nền tảng công nghệ…
Tripi là một trong số ít đại lý du lịch điện tử trực tuyến của Việt Nam.
Đánh giá cao tầm quan trọng của CNTT trong phát triển du lịch, bà Đặng Hương Giang, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng “Ứng dụng CNTT vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là DL, là quy luật tất yếu, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận. Trước sự phát triển và nhu cầu cấp thiết của ngành DL Thủ đô, sở đang triển khai xây dựng hệ thống DL thông minh để cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho khách DL, nâng cao và hoàn thiện chất lượng sản phẩm, đem lại nhiều trải nghiệm cho du khách… Đây sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu để ngành DL phát triển đột phá, để đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình 8-10%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 120 nghìn tỷ đồng”. Bà Kelly Strzepek, Cố vấn cao cấp về sáng tạo của Chính phủ Úc tại Việt Nam tin tưởng rằng: “Là một người Úc, là vị khách trên đất nước các bạn, tôi mong muốn hai nước cùng nhau phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để cả hai đều giải quyết được những thách thức, rào cản trong thực tế toàn cầu đặt ra. Hai nước chúng ta đang xây dựng mối quan hệ đối tác và cả hai đều hướng tới là những quốc gia dẫn đầu về sáng tạo. Chúng tôi nhận thấy Việt Nam có thế mạnh về khoa học công nghệ, tương lai chúng tôi sẽ đi cùng và hợp tác với các bạn”.
Để doanh nghiệp Việt Nam lấy lại quyền làm chủ trên “sân chơi” của mình, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam gợi ý, các doanh nghiệp cần dành ưu tiên đầu tư cho CNTT, bao gồm cả phần cứng và phần mềm, trong đó chú trọng tăng cường nguồn lực đội ngũ nhân sự CNTT tại chỗ, tăng cường sử dụng CNTT trong bán, quảng bá sản phẩm…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực sự phát huy hiệu quả, cũng cần hiểu cho đúng DL thông minh. Không phải cứ có CNTT, sử dụng CNTT trong hoạt động của mình là có DL thông minh, bởi DL thông minh là sử dụng công nghệ hướng tới sự thuận lợi cho các bên. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh (TMG) chia sẻ kinh nghiệm của tập đoàn mình là ứng dụng công nghệ vào DL của TMG được thực hiện theo dọc hành trình của khách hàng, từ tạo cảm hứng bằng thông tin hiển thị trên website hấp dẫn với nhiều chương trình khuyến mại, thông tin hiển thị cá nhân hóa, chọn lọc từ hàng nghìn khách sạn và 250 chương trình tour đến thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc trực tiếp, khuyến khích chia sẻ cảm nhận khách hàng trên facebook, duy trì trải nghiệm khách hàng bằng tương tác điện tử (email, sms)…
Theo qdnd.vn
Thông kê truy cập
Đang trực tuyến 1
Hôm nay 4
Tổng lượt truy cập 3,508