Xu hướng mới của lao động trẻ miền Tây: Đi Nhật

Xu hướng mới của lao động trẻ miền Tây: Đi Nhật

04/10/2017 10:36

Xu hướng mới của lao động trẻ miền Tây: Đi Nhật - Ảnh 1.

Các học viên học tiếng Nhật tại một trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Bến Tre chờ cơ hội đi xuất khẩu lao động ở Nhật 

Đầu tháng 9, khi các bạn đồng trang lứa chọn học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp... thì Nguyễn Thị Thúy Mai (18 tuổi, xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) lại chọn con đường khác. 

Mai học tiếng Nhật tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Giồng Trôm để chờ cơ hội xuất khẩu lao động, dù điểm số trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 của Mai thuộc tốp cao của trường với 21,4 điểm.

Ngày càng tăng

Thúy Mai cho hay nhà có năm miệng ăn nhưng không có đất canh tác nên cha mẹ phải đi làm mướn, ai thuê gì làm nấy. "Do đó, ngay từ khi học phổ thông, em đã nghĩ đến chuyện đi nước ngoài làm việc một thời gian để kiếm tiền. Trước là để phụ giúp cha mẹ, đỡ đần các em tiếp tục học. Sau nữa là để dành ít vốn để sau này làm ăn" - Mai nói.

Mai là một trong số 210 bạn trẻ đang theo học tiếng Nhật miễn phí tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giới thiệu việc làm ở Bến Tre. Cô Lê Thị Bông - giáo viên dạy tiếng Nhật tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Giồng Trôm - cho biết trong tổng số 60 bạn trẻ đang học tiếng Nhật tại đây có gần 20 bạn đang là học sinh phổ thông.

Tại tỉnh Đồng Tháp, lượng học sinh đăng ký học thêm ngoại ngữ thứ hai ngoài tiếng Anh ngày càng đông. Trong đó hầu hết đều có ý định đi xuất khẩu lao động sau khi học xong lớp 12. Trần Thị Kim Đào, 18 tuổi, ngụ huyện Hồng Ngự, dù trúng tuyển đại học với điểm số cao nhưng vẫn quyết định tham gia tuyển dụng xuất khẩu lao động. 

"Em dự định sẽ đi làm việc ở nước ngoài từ năm học 11. Đi làm một vài năm có một số vốn tích lũy lại rộng đường vào công ty Nhật làm việc em thấy vẫn ổn định hơn" - Đào phân tích.

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện nay số lượng học sinh định hướng sẽ tham gia xuất khẩu lao động ngày càng tăng. Năm 2016 chỉ có hơn 100 học sinh vừa tốt nghiệp 12 đăng ký học ngoại ngữ thì năm nay tăng lên 400 em.

Công ty Nhật chào đón

Sau ba năm làm việc tại Nhật, Lê Nhật Trường, 26 tuổi, ngụ huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết đã tích lũy được gần 1 tỉ đồng. Hiện ngoài công việc dạy tiếng Nhật với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, Trường còn dự tính mở công ty kinh doanh.

"Các công ty Nhật ở Việt Nam rất chào đón lực lượng lao động đã làm việc ở Nhật. Ngay khi về nước sẽ có người của công ty bên Việt Nam liên hệ đặt vấn đề làm việc lâu dài, thậm chí ra tận sân bay để đón" - Trường chia sẻ.

Ngồi trong căn nhà khang trang ở ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, Sơn Hoàng Xuân (33 tuổi) phấn khởi kể trước đây gia đình anh rất khó khăn, nhà cửa lụp xụp, nhưng sau ba năm đi xuất khẩu lao động tại Nhật về, anh đã tích lũy được khoảng 800 triệu đồng. Anh xây lại nhà cửa khang trang, mua sắm được xe tay ga cùng nhiều vật dụng có giá trị.

Anh Xuân cũng cho biết thêm anh rất may mắn khi được Tập đoàn IMM Japan tuyển dụng và lo mọi chi phí đưa sang Nhật làm việc. Sau khi kết thúc hợp đồng, nếu người nào giỏi ngôn ngữ sẽ được công ty đàm phán tái ký hợp đồng tiếp tục. Những người về nước được IMM Japan tiếp tục giới thiệu làm việc cho doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam. Nhờ có kinh nghiệm, tôi được Công ty Logitem của Nhật tuyển dụng vào làm việc tại Khu công nghiệp Bình Minh, Vĩnh Long" - anh Xuân nói.

Xu hướng mới của lao động trẻ miền Tây: Đi Nhật - Ảnh 2.

Đòn bẫy hậu thuẫn cho "làn sóng"

Cuối năm 2014, tỉnh Đồng Tháp tái khởi động chương trình xuất khẩu lao động bằng một loạt chính sách hỗ trợ được xem như "đòn bẩy" như cho vay vốn tín chấp, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, học ngoại ngữ, tư vấn việc làm... Liên tục ba năm sau Đồng Tháp đứng đầu ĐBSCL về số lượng lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết xuất khẩu lao động là một mục tiêu quan trọng của tỉnh trong ba năm qua. Những tín hiệu đáng mừng từ chương trình này là ngoài việc người dân có nguồn thu nhập ổn định, thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn ở những nơi có nhiều người thân xuất khẩu lao động, còn góp phần giúp tỉnh nhà nâng cao lợi thế, thu hút đầu tư từ nước ngoài. 

Theo đánh giá của ông Dương, hiện nay xuất khẩu lao động ở "thủ phủ sen hồng" đã dần trở thành xu thế và tạo nên một làn sóng trong nhiều thanh niên.

Theo ông Dương, "bí quyết" để tỉnh Đồng Tháp thành công trong việc đưa nhiều lao động làm việc ở nước ngoài là tỉnh luôn có những chính sách tháo gỡ nhanh khó khăn và sự hậu thuẫn cho người lao động cả về mặt kinh tế lẫn tinh thần. 

Bất kỳ lao động nào của Đồng Tháp khi làm việc ở nước ngoài đều được hỗ trợ 4,7 triệu đồng, vay vốn tín chấp 90-100% chi phí. Sắp tới tỉnh sẽ lập thêm quỹ hỗ trợ rủi ro.

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết nhận định: "Người dân tỉnh Đồng Tháp đã thấy được những mặt tích cực từ việc xuất khẩu lao động cho nên họ rất chủ động, không còn phải năn nỉ ỉ ôi như trước. Lãnh đạo các địa phương cũng rất nhạy bén, mỗi khi có sàn giao dịch việc làm liền tổ chức đưa hàng trăm lao động tham dự".

Thong ke