Những tiết lộ về Hiệp định TPP không Mỹ

Những tiết lộ về Hiệp định TPP không Mỹ

15/11/2017 10:25

Lợi ích thương mại có suy giảm vì thiếu Mỹ, nhưng sức ép cải cách bên trong của hiệp định TPP-11, có tên mới là (CPTPP) vẫn rất lớn.

Những tiết lộ về Hiệp định TPP không Mỹ - Ảnh 1.

Những phút giây căng thẳng tại phòng họp bàn về hiệp định TPP tối 10-11 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một thành viên đoàn đàm phán tiết lộ với Tuổi Trẻ một số nội dung đã thống nhất và các vướng mắc chưa thống nhất được, ở các phiên họp căng thẳng bàn về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương giữa 11 quốc gia. 

Có nội dung cần đàm phán lại

Thành viên đoàn đàm phán của Bộ Công thương cho biết việc thay đổi tên gọi TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa qua là do có những thay đổi về mặt nội dung, nên không thể dùng tên cũ. 

Dù vậy, theo vị này, TPP-11 vẫn sẽ là hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, đặc biệt có tính đến trình độ của các nước.

 

Mặc dù các nội dung cốt lõi của hiệp định cũ được giữ lại, nhưng có 4 nội dung chưa đi đến thống nhất liên quan 4 nước (gồm Brunei, Việt Nam, Malaysia, Canada) cần được đàm phán lại, thảo luận tiếp, trong đó có một nội dung liên quan đến Việt Nam. 

Các nước thành viên cũng đưa ra danh mục 20 nội dung tạm hoãn (chủ yếu cam kết sở hữu trí tuệ) một số nghĩa vụ để đảm bảo cân bằng trong bối cảnh mới và chất lượng cao của hiệp định. 

Những thay đổi này cũng nhằm để Mỹ vẫn có thể quay lại được, nên về cơ bản khung hiệp định vẫn giữ...

Với Việt Nam, có hai nghĩa vụ phải thay đổi, trong đó đang đàm phán tiếp về vấn đề lao động, cụ thể là vấn đề trừng phạt thương mại trong lao động. 

Do chưa đàm phán xong nên vị chuyên gia ở Bộ Công thương cho biết chưa thể đánh giá được những nội dung mới, thay đổi trong TPP-11 sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho Việt Nam hay không do những cuộc họp vừa qua mới chỉ là thảo luận cơ bản, chứ chưa phải là thảo luận cuối cùng. 

Nhưng tâm điểm của TPP-11 vẫn là cam kết mở cửa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ...

Với CPTPP, GDP VN chỉ tăng thêm 1,32%

Ông Trần Toàn Thắng, Trung tâm thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho rằng kết quả các phiên họp về TPP-11, trong đó quyết định trì hoãn hoặc thỏa thuận lại một số điều khoản của TPP là lẽ đương nhiên vì bản chất cơ cấu thị trường trong TPP với 12 nền kinh tế khác rất nhiều so với CPTPP 11 nền kinh tế, vắng thị trường cực lớn là Mỹ. 

Việt Nam hưởng lợi ít đi

Theo ông Trần Toàn Thắng, phân tích cho thấy với TPP-11 xuất khẩu của Việt Nam chỉ có thể tăng thêm 4%, trong khi TPP 12 là khoảng 15%.

TPP-11 làm tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP-12 tăng nhập khẩu 10,5%.

"Điều đó có nghĩa so với TPP-12, mức độ hưởng lợi của Việt Nam trong TPP-11 giảm rất nhiều do thiếu lợi ích tăng thêm từ thị trường Mỹ", ông Thắng nói.

Dù vậy, theo ông Thắng, ít nhất các nước đã đồng thuận tiếp tục "cuộc chơi" và việc đàm phán lại một số điều khoản sẽ mang tính kỹ thuật nhiều hơn là định hướng có tính chiến lược.

"Kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy Việt Nam không được lợi nhiều về mặt con số định lượng khi TPP chỉ còn 11 nền kinh tế", ông Thắng cho biết.

Chẳng hạn, theo ông Thắng, với TPP-11, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, trong khi với TPP-12 (có thị trường Mỹ) là 6,7%.

Dù vậy, TPP-11 vẫn có tác dụng tích cực cho tăng trưởng, thương mại và đầu tư của Việt Nam, và điều đáng nói là, theo ông Thắng, sức ép cải cách trong nước vẫn rất lớn. 

Những lo ngại về nhập khẩu và cạnh tranh thị trường trong nước là đúng, tuy nhiên ông Thắng cho hay theo tính toán, nhập khẩu tăng lên chủ yếu từ các nước ngoài TPP-11.

Kiên trì cải cách và chờ Mỹ quay lại

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), đánh giá dù là TPP-11 nhưng tinh thần và nội dung của TPP vẫn không có gì thay đổi, một số danh mục được tạm hoãn chủ yếu là những yêu cầu cao, đòi hỏi của Mỹ. 

Ông Lương đánh giá trước mắt khó để Mỹ quay lại, nhưng trong tương lai điều này có thể vì định hướng phát triển thương mại song phương của Tổng thống Donald Trump khó thực hiện khi lợi ích của từng quốc gia đã gắn với lợi ích kinh tế đa phương.

Do vậy, theo ông Lương, cùng với việc hoàn thiện các công việc cuối cùng trong đàm phán, Việt Nam cần chuẩn bị nhiều hơn cho cải cách bên trong. Cụ thể, có nhiều công việc mà Việt Nam phải làm, chẳng hạn như trong chương chống tham nhũng.

Dù TPP-11 không có Mỹ có thể khiến một số sức ép giảm đi, nhưng toàn cầu hóa là xu thế và đến lúc không thể chần chừ mà theo ông Lương, cần phải nhanh chóng dọn sạch những rào cản đang đặt ra với nền kinh tế như thể chế, nâng cao sức cạnh tranh gắn với xây dựng chiến lược hội nhập bài bản, trọng tâm là xây dựng chuỗi kết nối.

Tiến sĩ TRẦN ĐÌNH THIÊN (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam):

Ba nhóm việc cần làm

Thứ nhất, hoàn thành việc đàm phán CPTPP với các điều khoản tốt nhất cho VN. 

Thứ hai, chuẩn bị các năng lực thực thi, năng lực cạnh tranh sản phẩm dịch vụ, năng lực thể chế. Phải hành động theo tư duy đổi mới, xây dựng thể chế vượt trội.

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác, trong đó trọng tâm là Hiệp định thương mại tự do VN - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Cũng phải nhấn mạnh đến tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Đây là những mối quan hệ mang tính trụ cột, bảo đảm sự cân bằng.

APEC Đà Nẵng nói chung, CPTPP nói riêng tạo nên một cảm hứng, tạo đà cho những bước tiếp theo. Vấn đề là tận dụng tốt để vượt lên.

Theo TTO

Thong ke