Chuẩn bị thoái vốn Vietnam Airlines thu 17.000 tỷ đồng

Chuẩn bị thoái vốn Vietnam Airlines thu 17.000 tỷ đồng

18/01/2018 10:59

Vietnam Airlines đang xây dựng phương án bán vốn Nhà nước kết hợp với tăng vốn điều lệ nhằm tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại doanh nghiệp này.

3

Hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines

Tới 2019, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước đạt 51% vốn điều lệ

Nhóm người đại diện phần vốn Nhà nước tại TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) với đại diện là ông Phạm Ngọc Minh vừa trình Bộ GTVT kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại đơn vị này giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, năm 2018, Vietnam Airlines sẽ hoàn tất việc tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành thêm 191,191 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu và chuyển nhượng quyền mua 57,8 triệu cổ phần thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt hồi cuối tháng 5/2017. Trường hợp chào bán thành công toàn bộ cổ phần và lựa chọn được nhà đầu tư mua lại 57,8 triệu cổ phần thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước (dự kiến xong trước quý I/2018), Vietnam Airlines sẽ đạt được mục tiêu kép là tăng vốn điều lệ lên 14.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 16.000 tỷ đồng; đồng thời tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm khoảng 4,1%, xuống mức 82,1% vốn điều lệ.

Hiện tại, Vietnam Airlines có số vốn điều lệ 12.275,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 1,057 tỷ cổ phần, tương ứng 86% vốn điều lệ. Để kéo giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ xuống 51%, cổ đông Nhà nước tại Vietnam Airlines sẽ phải bán ra thị trường khoảng 430,434 triệu cổ phần đang nắm giữ. Nếu tính theo mệnh giá, lượng cổ phần nói trên của Vietnam Airlines có giá trị khoảng 4.304,3 tỷ đồng, nhưng nếu tính theo thị giá (cổ phiếu HVN hiện có giá giao dịch bình quân khoảng 40.000 đồng/cổ phần), cổ đông Nhà nước có thể thu về khoảng 17.000 tỷ đồng.

“Ngay khi hoàn tất việc tăng vốn giai đoạn này, Vietnam Airlines sẽ làm thủ tục chuyển sàn cho cổ phiếu Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) sang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM - HOSE, dự kiến vào quý II/2018 để nâng cao vị thế, hình ảnh, cũng như tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, tạo thuận lợi cho việc triển khai các phương án tăng vốn, bán cổ phần trong tương lai”, ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Minh, trong giai đoạn tiếp theo (2018 - 2019), Vietnam Airlines sẽ tiếp tục chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ với tổng khối lượng phát hành khoảng 10-20% vốn điều lệ; tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm xuống khoảng 60-65% vốn điều lệ. “Phương thức tăng vốn cụ thể sẽ được Vietnam Airlines nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền trên cơ sở nhu cầu thực tế, tình hình diễn biến thị trường, kết quả khảo sát thăm dò các nhà đầu tư quan tâm, cũng như ý kiến của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế”, ông Minh thông tin thêm.

Cùng với phương án tăng vốn điều lệ, cổ đông Nhà nước của Vietnam Airlines sẽ tiếp tục bán bớt phần vốn Nhà nước còn lại (tương ứng với 10-15%) để giảm tỷ lệ sở hữu tối thiểu so với mức nắm giữ 86,16% tại thời điểm ngày 31/11/2017.

Nếu thực hiện suôn sẻ, tỷ lệ vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines sẽ chỉ còn khoảng 51%, khớp với Quyết định số 1232 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020.

Bộ GTVT yêu cầu làm rõ các phương án trước 1/3/2018

Liên quan đến kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines tương ứng 35,16% trong năm 2019 đã được nêu rõ trong Quyết định 1232 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines (cổ đông Nhà nước có tham gia góp thêm vốn) và bán một phần quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước khi tăng vốn điều lệ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại các công văn số 1466 và 933 của Văn phòng Chính phủ.

Tuy nhiên, phương thức giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại Vietnam Airlines theo kiến nghị của Người đại diện phần vốn Nhà nước nêu trên có sự thay đổi so với phương thức đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1232 do đó, Bộ GTVT yêu cầu Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty căn cứ chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Vietnam Airlines và tình hình thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhu cầu huy động vốn trong thời gian tới, xây dựng các phương án giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại Vietnam Airlines để trong năm 2019, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước đạt 51% vốn điều lệ.

“Các phương án phải nêu rõ phương thức, tiến độ thực hiện, có đánh giá toàn diện lợi ích thu được của Nhà nước, doanh nghiệp và đề xuất phương án tối ưu, khả thi”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chỉ đạo.

Thong ke